Trầm cảm sau sinh là một bệnh tinh thần dễ xảy ra với phụ nữ. Nhưng không phải ai cũng biết mình đang bị bệnh. Người bị mắc trầm cảm sau sinh thường có trạng thái lo sợ, bất an, mệt mỏi hoặc u buồn vô cớ. Nếu không được phát hiện kịp thời và có giải pháp điều trị sẽ dẫn tới hậu quả nguy hiểm đến tính mạng của cả mẹ và bé. Sau đây là một số dấu hiệu và cách phòng chống trầm cảm sau sinh, các mẹ nên tham khảo ngay.
Một số dấu hiệu nhận biết bệnh trầm cảm sau sinh
Như đã nói ở trên, trầm cảm sau sinh là bệnh tâm lý. Có nhiều nguyên nhân dẫn tới trầm cảm sau sinh như: Thay đổi nội tiết tố sau sinh, có tiền sử mắc bệnh trầm cảm, Thiếu ngủ, thiếu chất dinh dưỡng, lo lắng quá nhiều, Gia đình không hạnh phúc, mâu thuẫn gia đình, bất ổn về mặt cảm xúc, mệt mỏi kéo dài,…
Phụ nữ bị trầm cảm sau sinh thường có một số biểu hiện sau:
- Thường xuyên cảm thấy buồn, vô vọng, trống rỗng, áp lực về thế giới xung quanh.
- Thường xuyên khóc hoặc khóc nhiều hơn bình thường, mà không rõ nguyên nhân vì sao lại khóc.
- Luôn cảm thấy bất an và sợ hãi thế giới xung quanh.
- Hay cáu gắt, khó chịu, bồn chồn, không yên.
- Thường bị mất ngủ hoặc không ngủ sâu giấc, một số người lại ngủ quá nhiều.
- Mất tập trung, hay do dự và khó đưa ra những quyết định.
- Thường nổi giận vố cớ, mất kiểm soát bản thân.
- Không quan tâm đến bản thân, không có hứng thú với các sở thích ngày xưa.
- Thường bị nhức đầu, mỏi cơ, đau dạ dày.
- Ăn quá ít hoặc quá nhiều, một số trường hợp không muốn ăn.
- Ngại giao tiếp với người khác, xa lánh người nhà, bạn bè và người thân. Có nhiều người còn lảng tránh, không muốn gần gũi với con.
- Cảm thấy hoài nghi về khả năng nuôi con, khả năng che chở và bảo vệ cho con của mình.
- Xuất hiện các ý nghĩ làm hại đến bản thân và con.
- Một số trường hợp bị rơi vào hoang tưởng, ảo giác.
Cách phòng bệnh trầm cảm sau sinh theo kinh nghiệm của các mẹ bỉm sữa từng trải
Chị Vân Anh (Hà Nội) chia sẻ: “Sau khi sinh, có những lúc tôi cảm thấy buồn vô cớ, hay nổi giận với người xung quanh và thỉnh thoảng lại có ý nghĩ sẽ làm hại em bé của mình. Tôi ý thức được điều đó là không nên và đã tìm cách phòng bệnh trầm cảm.
Đầu tiên, tôi tìm đến những người bạn hoặc chị em thân thiết để tâm sự, nói chuyện cho khuây khoả. Tôi tâm sự những điều tiêu cực mà mình đang gặp phải. Những câu chuyện về chia sẻ kinh nghiệm chăm sóc con cũng như chuyện vui buồn trong cuộc sống. Mỗi lần tâm sự xong, tôi thấy tâm trạng khá hơn rất nhiều.
Vì sinh bé đầu tiên nên chưa có kinh nghiệm chăm sóc trẻ sơ sinh. Nhiều lúc cũng thấy áp lực và mệt mỏi. May thay, tôi đã nhờ đến sự giúp đỡ của mẹ ruột và chồng. Lúc đó, tâm trạng cũng thả lỏng và đỡ áp lực hơn.
Dành thời gian riêng cho mình là cách chống trầm cảm sau sinh rất hiệu quả. Sau khi có con nhỏ, tôi không còn nhiều thời gian dành cho mình như trước. Điều đó có thể khiến những sở thích và niềm vui của tôi bị ngủ quên. Thay vì quá chú tâm vào em bé, tôi dành 2 giờ mỗi ngày để làm những điều mình thích như: xem phim, đọc sách, đi dạo, mua sắm, làm đẹp hoặc đơn giản chỉ là đi uống cafe với bạn bè”.
Nếu các mẹ vẫn cảm thấy không yên tâm khi có thêm thành viên mới trong gia đình. Điều đó có gì đáng lo ngại, hãy tham gia một khoá học hướng dẫn chăm sóc trẻ sơ sinh và nhờ đến sự giúp đỡ của những người có kinh nghiệm như bà, mẹ, chị gái. Hãy lôi kéo chồng bạn vào quá trình chăm sóc bé. Như vậy, mẹ bầu sẽ cảm thấy bớt áp lực và được chia sẻ, cảm thông hơn.